Phép Thử Turing

Alan Turing (1912 – 1954) là một nhà toán học, logic học và mật mã học người Anh. Ông có nhiều đóng góp cho nhân loại trong các lĩnh vực toán học, logic học, giải mã và khoa học máy tính. Tháng 10 năm 1950, trong bài viết Computing machinery and intelligence, ông đã nhắc đến vấn đề Trí Tuệ Nhân Tạo và đề bạt ra một phương thức thử nghiệm mà ngày nay gọi là phép thử Turing (Turing test).

Turing-test

Turing-test

Phép thử Turing là một mô hình nhằm kiểm tra khả năng thể hiện hành vi trí tuệ của máy tính. Phép thử bao gồm một hoặc nhiều người đánh giá tham gia vào những cuộc hội thoại bằng ngôn ngữ tự nhiên với hai ứng viên. Một trong hai ứng viên sẽ là máy tính và ứng viên còn lại là người. Các ứng viên sẽ được ở trong phòng kín tách riêng với nhau và tách riêng với nhóm đánh giá, đảm bảo rằng nhóm đánh giá chỉ biết tồn tại một máy tính và không biết máy tính đó nằm trong phòng nào. Bài kiểm tra diễn ra với việc nhóm đánh giá đặt ra các câu hỏi cho ứng viên và các ứng viên sẽ đưa ra phản hồi. Đoạn hội thoại sẽ chỉ giới hạn trong khuôn khổ các kênh truyền văn bản thô (text) như bàn phím và màn hình, như thế kết quả sẽ không phục thuộc vào khả năng mô phỏng âm thanh của con người mà phụ thuộc vào khả năng hiểu nội dung hội thoại và khả năng tư duy để đưa ra phản hồi. Máy tính sẽ được xem là vượt qua bài kiểm tra nếu sau một khoảng thời gia hội thoại (Turing đề xuất là 5 phút) mà đại đa số người trong nhóm đánh giá không thể chắc chắn phân biệt được đâu là máy tính và đâu là người. Lưu ý rằng bài kiểm tra này không phải kiểm tra về độ hiểu biết của máy tính, tức là nó không cần một câu trả lời chính xác từ các ứng viên mà câu trả lời cần làm sao thể hiện được sự mô phỏng gần giống nhất với tư duy người. Nói cách khác cái máy phải lừa nhóm đánh giá rằng nó là một con người.

Cơ Sở

Phép thử dựa trên quan điểm sự phức tạp trong tư duy khi nói về các chủ đề liên quan đến cảm xúc, ngữ nghĩa theo ngữ cảnh (chơi chữ) và nghệ thuật là khó bắt chước và đòi hỏi khả năng hiểu ngôn ngữ cao ở máy tính. Lấy một ví dụ đơn giản như nếu bạn liên tục lặp lại một câu hỏi (như “Bạn tên gì?”) thì một người có thể sẽ cảm thấy khó chịu còn máy tính thì đơn giản là trả lời những câu hỏi đó một cách lặp đi lặp lại. Đồng thời cách thức phản hồi của những hệ thống máy tính có thể bị rập khuôn và dài dòng, không có được sự ngắn gọn súc tích so với đối thoại với người. Hãy thử nghĩ xem một người và một máy tính sẽ trả lời câu hỏi “Con mèo là gì?” như thế nào? Hay máy tính sẽ hiểu câu nói “Ếch ngồi đáy giếng” như thế nào? Dựa trên các cách đặt câu hỏi trên mà người đánh giá có thể nhận ra đâu là máy và đâu là người. Vì vậy việc một chiếc máy tính có khả vượt qua bài kiểm tra Turing có thể cho thấy khả năng nhận thức ngôn ngữ mức cao, và phải chăng nó cũng thể hiện khả năng “tư duy” của máy tính đó.

Yếu Điểm

Tuy nhiên, nhiều người chỉ ra rằng phép thử Turing cũng có nhiều điểm yếu. Đầu tiên chính là bản thân phép thử không thể hiện rõ sự thông minh của máy tính mà chỉ đơn thuần so sánh giữa máy tính và con người. Nếu người hỏi đặt câu hỏi không đủ tốt hoặc người trả lời phản hồi một cách vụng về thì máy tính vẫn có thể vượt qua bài kiểm tra nhưng thực chất máy tính không đủ thông minh như mong muốn. Một tranh cãi khác chính là ý nghĩa thật sự của nhận thức và tư duy mà điển hình là ví dụ về “Căn phòng Trung Hoa – The Chinese room”. Giả sử rằng một máy tính có thể trả lời các câu hỏi một cách thông minh, nhưng liệu đó có phải là nhận thức thật sự như ở người hay chỉ là một sự mô phỏng vẻ bề ngoài của nhận thức? Con người vẫn chưa khám phá hết được cội nguồn của tư duy thì việc đánh giá một cái máy có tư duy thông qua việc so sánh liệu có hợp lý? Một lỗ hổng chí mạng nữa của phép thử Turing chính là sự im lặng. Sự im lặng cũng vẫn thường xảy ra trong giao tiếp ở người nhưng lại không mang đến nhiều thông tin cho việc nhận diện người-máy. Máy tính chỉ việc im lặng là vẫn có thể làm người giám sát hoang mang vì không có thông tin gì trong cuộc hội thoại. Một điểm trừ nữa của phép thử Turing là tính thực tiễn. Liệu rằng có cần một trí thông minh nhân tạo có nhận thức để giúp giải quyết các vấn đề trong cuộc sống? Nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo không mấy chú trọng vào việc vượt qua phép thử Turing, mà chú tâm hơn vào khả năng giải quyết các bài toán cụ thể.

Tổng Kết

Nhìn chung, phép thử Turing đã phần nào hé mở một góc trả lời cho câu hỏi “Liệu máy tính có thể suy nghĩ?”. Đồng thời nhiều mô hình phân biệt người-máy cũng dựa trên tư tưởng của phép thử Turing, điển hình như CAPTCHA. Tuy còn nhiều hạn chế nhưng phép thử Turing vẫn là một trong những ý tưởng tiên phong trong ngành Trí Tuệ Nhân Tạo để ngày càng hoàn thiện sức mạnh của máy tính.

bài viết tham khảo từ các nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Turing_test http://www.mind.ilstu.edu/curriculum/turing_test/turing_test_curric_long.php