Sự ra đời của tranh luận căn phòng trung hoa

Sự phát triển mạnh mẽ của máy tính đã kéo theo nhiều câu hỏi trong giới triết học về khả năng tư duy của máy tính. Năm 1980, trong bài báo “Minds, Brains and Programs“, John Searle đã trình bày về tranh luận Căn Phòng Trung Hoa. Tranh luận này nhanh chóng tạo nên sức ảnh hưởng. Rất nhiều phản hồi bàn luận về vấn đề này được gửi đến Searle khiến ông phải viết thêm nhiều bài viết để bảo vệ ý kiến của mình. Tranh luận này vẫn còn đang là một thử thách trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Nội dung của Căn Phòng Trung Hoa

Ý tưởng về Căn Phòng Trung Hoa của Searle được mô tả như sau: giả sử rằng có một căn phòng kín, bên trong đó có một người. Căn phòng chỉ gồm một khe đầu vào và một khe đầu ra. Một người nào đó ở ngoài căn phòng sẽ đưa một mẩu giấy ghi một câu hỏi bằng tiếng Trung vào khe đầu vào cho người bên trong. Người bên trong sẽ trả lời câu hỏi đó và đưa mẩu giấy chứa câu trả lời cũng bằng tiếng Trung ra khe đầu ra. Searle giả sử rằng kết quả của câu trả lời của Căn Phòng Trung Hoa vượt qua được phép thử Turing. Rõ ràng rằng chúng ta sẽ nghĩ rằng người trong căn phòng đó biết tiếng Trung. Nhưng ví dụ của Searle nêu ra rằng trong căn phòng đó là một người không biết gì về tiếng Trung và một cuốn cẩm nang tra cứu tiếng Trung. Cuốn cẩm nang này không phải như một cuốn từ điển mà đơn thuần chỉ là những chỉ dẫn lắp ghép các ký tự tiếng Trung mà thôi.

The chiese room

The chiese room

Có thể lấy một ví dụ đơn giản như sau:”Bên ngoài căn phòng đưa vào câu hỏi “你好嗎?”. Người bên trong không hiểu gì về câu hỏi này cả nhưng anh ta có được chỉ dẫn trong cuốn cẩm nang rằng nếu thấy câu hỏi “你好嗎?” thì hãy trả lời “我很好”. Người trong căn phòng cứ thế làm theo hướng dẫn và câu trả lời được đưa ra cho người bên ngoài mặc dù anh ta không hề biết rằng cặp câu này đơn giản chỉ là “bạn có khỏe không?” và “tôi vẫn khỏe”. Với cách làm như vậy, người trong căn phòng không cần biết tiếng Trung vẫn có thể trả lời các câu hỏi. Độ chính xác của câu trả lời chỉ phụ thuộc vào độ chi tiết của cuốn cẩm nang mà thôi.

Tranh Luận

Mô hình căn phòng trung hoa chính là sự mô phỏng lại của một máy tính (căn phòng) và chương trình (cuốn cẩm nang). Vậy thật sự một máy tính được lập trình tốt để đưa ra những phản hồi hay có thể xem là có nhận thức và tư duy? Đối với Căn Phòng Trung Hoa thì rõ ràng là không. Chúng ta thấy rằng người trong căn phòng không hề có một nhận thức nào về tiếng Trung, anh ta đơn thuần là làm theo các hướng dẫn. Thuật toán chính là các hướng dẫn và máy tính chính là người thực hiện theo các hướng dẫn. Như vậy, một máy tính chứa một phần mềm tốt không thể được xem như là có nhận thức và tư duy được mà chỉ là một sự mô phỏng sự nhận thức và tư duy. Rõ ràng rằng một phần mềm dù có thông minh đến đâu nhưng về cơ bản vẫn khác xa so với trí thông minh của con người.

Qua bài báo của mình, Searle cũng chỉ ra khái niệm về Trí Tuệ Nhân Tạo Mạnh (Strong AI) và Trí Tuệ Nhân Tạo Yếu (Weak AI). Trí Tuệ Nhân Tạo Yếu chỉ đơn thuần là một mô hình mô phỏng tâm trí, hay chỉ là cái vỏ của tâm trí. Trong khi đó, Trí Tuệ Nhân Tạo Mạnh là sự mô phỏng hoàn thiện của tâm trí với khả năng nhận thức và tư duy.

máy tính có thể có tâm trí như ở người?

Căn phòng Trung Hoa đã mở ra nhiều câu hỏi cho lĩnh vực Trí Tuệ Nhân Tạo, và cũng chỉ ra một tiêu chuẩn mới cho máy tính có sự thông minh thực thụ. Nhưng liệu máy tính có thể đạt được điều đó hay đơn thuần chỉ là một căn phòng và một cuốn cẩm nang? Điều mà chúng ta chắc chắn biết rằng là chúng ta, những sinh vật trí tuệ, đều được hình thành từ vật chất và hiển nhiên cả bộ não, nơi chứa tâm trí, cũng không ngoại lệ. Điều đó có nghĩa là có thể tâm trí của chúng ta cũng hoạt động dựa trên cấu trúc của não bộ. Trong tương lai, nếu chúng ta có thể khai mở được bí ẩn về trí óc loài người, thì cũng có thể một hệ thống máy tính có tư duy sẽ ra đời.